Năm 2013, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E Trung ương lần đầu triển khai kĩ thuật phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có sự can thiệp của nội soi. Trải qua hàng nghìn ca phẫu thuật mổ phanh lồng ngực và nội soi một phần, đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật nội soi hoàn toàn cho người mắc bệnh tim bẩm sinh. Việc áp dụng kĩ thuật này giúp người bệnh tránh phải trải qua cuộc đại phẫu, tránh được đường mở dọc xương ức do vậy giữ xương ức lành lặn. Đồng thời tránh nhiễm trùng, giảm thời gian thở máy sau mổ, giảm việc truyền máu và các chế phẩm của máu, rút ngắn thời gian điều trị hồi sức, đảm bảo tính thẩm mĩ cao…
Thành công mới của bệnh viện mang đến cơ hội phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn cho người mắc bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết không phải trường hợp nào cũng phẫu thuật nội soi hoàn toàn được và kĩ thuật này cũng chưa thể áp dụng một cách đại trà.
Hiện, bệnh viện cũng là một trong số ít các đơn vị tại Việt Nam có Phòng Can thiệp Mạch đặt ngay tại Phòng Mổ để thuận tiện cho việc phẫu thuật và can thiệp kịp thời.
Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 0,7-0,8% trẻ sơ sinh lúc chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác về tần suất tim bẩm sinh trong cộng đồng, song ước tính mỗi năm có 16.000-20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa con đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách nghe tim, phát hiện tiếng thổi ở tim và các dấu hiệu bất thường khác. Với tiến bộ của kỹ thuật siêu âm, phần lớn các ca tim bẩm sinh đều có thể được phát hiện từ lúc thai nhi mới vài tháng tuổi.
BBT.YHTH
|