ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, có xu hướng tăng cao tại nhiều nước đặc biệt là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, năm 2011 có số mắc cao nhất từ năm 2003, xuất hiện tại ở cả 63/63 tỉnh/thành trong cả nước với 112.000 trường hợp mắc và 169 ca tử vong. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2012, tại 63 tỉnh thành cũng đã ghi nhận 15.000 ca mắc TCM, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm 2011, trong đó 11 ca tử vong, số mắc tay chân miệng ở mức 1.700-1.800 ca mới/tuần. Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó gần 3/4 số trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Đây là lứa tuổi nhỏ, chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên sự gia tăng số mắc, tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh tay chân miệng. Do đó, việc tìm hiểu thực trạng thái độ và hành vi thực hành của nhóm chăm sóc trẻ là hết sức quan trọng để phát hiện nguyên nhân lây truyền của các trẻ bị bệnh dưới 5 tuổi và đề xuất các giải pháp truyền thông can thiệp.
Chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu thái độ, hành vi của đối tượng chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi trước đây nên nghiên cứu này ra đời là hết sức cần thiết là cơ sở khoa học để đề xuất giải pháp truyền thông trong thời gian tới.