Kết quả của nghiên cứu này đã mở ra một cuộc cách mạng trong hồi sức.
Việc ứng dụng thành công các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại và phát triển ứng dụng vào cấp cứu điều trị cho nhiều loại bệnh nặng khác nhau được tiến hành kịp thời, được áp dụng ngay tại địa phương đã giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị, từ đó giảm chi phí cho chăm sóc y tế.

Ảnh có tính minh họa google.com
|
Theo GS. TS Nguyễn Gia Bình, trước đây, nếu như các bệnh nhân bị tử vong do nhiễm trùng nặng, tỷ lệ là 95% thì nay đã giảm được khoảng 1/3. Đối với các bệnh nhân viêm tụy, trước đây phương pháp chính là mổ, nhưng với kỹ thuật lọc máu hiện đại đã loại bỏ bớt các chất độc hại do tụy sinh ra, làm giảm bớt các phản ứng viêm. Cùng bệnh nhân bị viêm tụy, nếu vẫn dùng phương pháp mổ như cũ thì cứ hai người sẽ có một người tử vong. Nếu thực hiện lọc máu sớm, kết hợp với hồi sức tích cực thì tỷ lệ này là 1/10. Với hội chứng các bệnh suy sụp đa phủ tạng như suy phổi, suy tim trước khi có phương pháp lọc máu thì tỷ lệ tử vong do suy 3 tạng là 70% và suy 4 tạng là 90%. Từ khi có kỹ thuật lọc máu, mặc dù bệnh nhân nhập viện khá muộn nhưng vẫn giảm bớt tỷ lệ tử vong xuống khoảng 20%.
Trên cơ sở áp dụng thành công trong điều trị các bệnh trên, các bác sĩ đã phát triển thêm ý tưởng áp dụng cho những bệnh khác như các bệnh cúm và đã thành công. Điều đó đã mở ra được hướng tiếp cận phương pháp điều trị mới trên cả vi khuẩn và vi-rút nặng. Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng cho điều trị hội chứng chân-tay-miệng ở trẻ em; các trường hợp bỏng nặng. Với kỹ thuật này không chỉ cứu sống được người bệnh mà chi phí chỉ bằng 1/5 so với các nước phát triển.
Theo GS. Bình, kỹ thuật lọc máu hiện đại giúp cứu sống thêm 20-50% số BN nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại (tùy loại bệnh hồi sức) mà đa số là tuổi lao động và trí thức, có người là cán bộ cao cấp và đây là sản phẩm vô giá. Giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp và không nhìn thấy được nhờ rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện, hạn chế biến chứng do thở máy và nằm lâu. Thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 và thời gian nằm viện còn 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí cho thở máy và cho nằm viện cũng giảm tương ứng…
Chỉ riêng chi phí kháng sinh điều trị viêm phổi mắc phải tại BV cũng khoảng 2 triệu VND/ngày/bệnh nhân. Trong công trình này, nhờ lọc máu mà nhóm BN nhược cơ nặng và Guillain Barre có tỷ lệ viêm phổi chỉ bằng 1/4 - 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên cũng tiết kiệm được 1 triệu - 1,5 triệu VNĐ/bệnh nhân
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai có 12 bác sĩ đã thành thạo các kỹ thuật và đủ năng lực đào tạo, hướng dẫn đồng nghiệp từ các bệnh viện khác trong cả nước về học tập kinh nghiệm. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh viện trong cả nước áp dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại, ước tính khoảng hơn 9.000 bệnh nhân đã được điều trị thành công, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở mức cao nhất.
Đặc biệt, nghiên cứu đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại hoàn chỉnh cả về chỉ định kỹ thuật và theo dõi trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh nặng hiểm nghèo. Sự thành công của đề tài mở ra triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước: Kỹ thuật gan nhân tạo giúp bệnh nhân suy gan nặng sống trong khi chờ ghép gan và chờ gan hoạt động sau ghép, lọc máu liên tục hỗ trợ trong ghép thận, ghép tim, ghép phổi… đồng thời, thúc đẩy phát triển các kỹ thuật phẫu thuật lớn thành công như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật gan mật...
BBT.YHTH
|