Kỹ thuật này được phẫu thuật viên người Ý - Bác sĩ Antonio Longo, Bộ môn Ngoại, Đại học Palermo giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993 và kể từ đó được áp dụng rộng rãi khắp châu Âu. Phẫu thuật này có ưu điểm là thời gian phẫu thuật ngắn và ít đau sau mổ nên khiến bệnh nhân rất hài lòng, có thể trở lại sinh hoạt bình thường sớm.
Chỉ định của phẫu thuật đối với bệnh trĩ độ 2-4, và đặc biệt là trĩ vòng. Nguyên tắc của phẫu thuật này là sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3 cm. Kết quả là làm giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để làm teo nhỏ búi trĩ và khâu treo niêm mạc hậu môn bị sa để tạo hình lại tấm đệm hậu môn. Do vậy, phẫu thuật Longo là một trong nhưng kỹ thuật thường được dùng hiện nay để điều trị bệnh trĩ khi có chỉ định phẫu thuật. Để góp phần đánh giá tính ưu việt của kỹ thuật trong điều trị bệnh trĩ độ 3-4. Bài nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả ứng dụng phẫu thuật Longo trong điều trị bệnh trĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Phẫu thuật Longo bao gồm 5 bước chính:
Bước 1: Sau khi vô cảm bằng gây tê tuỷ sống, tiến hành đẩy búi trĩ sa vào lại trong ống hậu môn
Bước 2: Đặt van nong hậu môn và kiểm tra tình trạng các búi trĩ, niêm mạc trực tràng và các bệnh phối hợp.
Bước 3: Khâu vòng niêm mạc trên đường lược khoảng 2-3 cm bằng chỉ Prolen 2/0 kiểu mũi túi (Purse- string).
Bước 4: Lắp máy khâu nối (stapler) trên vòng khâu, buộc mũi túi, kiểm tra thành sau âm đạo (nếu là nữ đóng máy từ từ ), tháo chốt an toàn rồi bấm cắt.
Bước 5: Để chế độ bấm máy 1/2 đến 1 phút rồi tháo máy, kiểm tra vòng cắt.
Bước 6: Khâu cầm máu các vị trí chảy máu của đường cắt nối máy bằng chỉ tự tiêu 3/0 ( có thể sử dụng chỉ Vicryl hoặc PDS).
Bước 7: Xử trí các tổn thương phối hợp nếu có như lấy da thừa, u nhú rìa hậu môn…
Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
177 BN được mổ trĩ theo phương pháp Longo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có độ tuổi trung là 46± 24, thấp nhất là 21 tuổi, cao nhất 83, tuổi trên 50 là 49,8%.
Về giới: Bệnh nhân nam gặp 116 trường hợp chiếm 65,5% và nữ là 34,5%. Tỷ lệ nam/nữ =1,193. Trong nghiên cứu chúng tôi gặp bệnh nhân là cán bộ và hưu trí 51,4%, nông dân chiếm 47,5%; chỉ có 1,1% là học sinh-sinh viên; bệnh nhân sống ở vùng nông thôn và miền núi chiếm 63,9%, ở thành phố 36,1%; bệnh nhân mắc bệnh trên 10 năm chiếm 47,0%, từ 5 năm đến 10 năm là 31,6 %, dưới 5 năm là 21,5%. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ ở độ 3 chiếm 66,7%, độ 4 là 33,3%; trong đó có 16,8% số bệnh nhân có da thừa hoặc u nhú hậu môn.
Kết quả điều trị phẫu thuật
Hội nghị Quốc tế về phẫu thuật Longo đã đưa ra chỉ định: Phẫu thuật Longo được áp dụng cho trĩ độ 3, độ 4, trĩ kèm theo các bệnh phối hợp như nứt kẽ hậu môn, da thừa, u nhú, trĩ tắc mạch. Hội nghị này cũng đưa ra những khuyến cáo các chống chỉ định như trĩ kèm theo áp xe hậu môn, hoại thư, hẹp hậu môn, sa toàn bộ niêm mạc trực tràng. Vì chúng tôi mới áp dụng kỹ thuật nên chỉ mới triển khai cho trĩ độ 3, 4 và có kèm theo da thừa và u nhú hậu môn. Trong quá trình triển khai từng bước về quy trình phẫu thuật, chúng tôi ghi nhận tất cả những khó khăn và thuận lợi của kỹ thuật đẻ dần dàn rút kinh nghiêm chuyên môn. Do được tổ chức học tập nhiều tại các bệnh viện trung ưng như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế… nên nhìn chung trong các bước phẫu thuật chúng tôi không gặp nhiều khó khăn. Điều chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm chuyên môn là sau khi khâu phải kiểm tra kỹ mũi khâu từ vị trí 11 giờ đến 1 giờ đối với bệnh nhân là phụ nữ và sau khi cắt cần kiểm tra lại đường cắt, nếu đánh giá có nguy cơ chảy máu không tự cầm sau mổ, chúng tôi khâu mũi chữ X tại các điểm chảy máu, số lượng các mũi khâu có thể từ 2 dến 5 mũi bằng chỉ Vicryl hoặc PDS 3/0 tuỳ các vị trí chảy máu. Các vị trí chảy máu hay gặp là ở 3 giờ, 9 giờ và 12 giờ. Đối với các búi trĩ to, không thể kéo lên hết sau phẫu thuật, chúng tôi sử dụng kỹ thuật khâu treo, búi trĩ bổ sung. Kết quả khâu tăng cường của chúng tôi là: 2 mũi có 13 bệnh nhân, 3 mũi có 15 bệnh nhân, 4 mũi có 11 bệnh nhân, 5 mũi có 6 bệnh nhân; vậy là có 25,4% số bệnh nhân phải khâu tăng cường. Đối với những bệnh nhân có những da thừa hay u nhú ở hậu môn thì chúng tôi phẫu thuật sau khi đã kiểm tra và cầm máu kỹ diện cắt.
Về thời gian phẫu thuật: Thời gian trung bình để phẫu thuật cho một bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là 24± 8,6 (18-42 ) phút, thời gian ngắn nhất để phẫu thuật cho một bệnh nhân là 10 phút và thời gian dài nhất là 50 phút
Biến chứng của phẫu thuật: Biến chứng chảy máu sau mổ là một trong những biến chứng của phẫu thuật Longo. 16 bệnh nhân (9,0%) có rỉ máu nhẹ thấm mét sau mổ. Đối với những bệnh nhân này chúng tôi cho nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, nhịn ăn, cho thêm thuốc giảm đau để cho bệnh nhân đỡ tăng phản xạ mót rặn và khuyên bệnh nhân không rặn nên không có bệnh nhân nào phải mổ để cầm máu và chúng tôi không gặp bệnh nhân nào bị rò trực tràng âm đao hay nhiễm trùng tiểu khung.
Thời gian nằm viện sau mổ: Thời gian nằm viện trong vòng 1 đến 2 ngày chiếm đa số 76,3% (135 bệnh nhân), trung bình 2,24 ± 0,64(1-4) ngày, thời gian nằm viện ngắn nhất là 1 ngày chiếm 17,5% (31 bệnh nhân), trên 3 ngày chiếm 23,7% (42 bệnh nhân) chủ yế nằm trong số bệnh nhân có chảy máu nhẹ sau mổ cần phải điều trị nội khoa thêm.
Qua nghiên cứu 177 bệnh nhân trĩ độ 3,4 được điều trị bằng phẫu thuật Longo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012 cho thấy nam nhiều hơn nữ, các bệnh nhân đều có triệu chứng của trĩ độ 3, độ 4. Có 16,8% bị các bệnh lý khác phối hợp như da thừa và u nhú hậu môn. Thời gian mổ trung bình của một bệnh nhân là 24,4±8,6 phút. Không có biến chứng chảy máu sau mổ phải mổ lại để cầm máu. Thời gian nằm viện trung bình là 2,24±0,64 ngày. Bệnh nhân trở lại công việc cũng như sinh hoạt bình thường trong vòng 2 tuần. Phẫu thuật Longo có thể triển khai rộng rãi để điều trị bệnh trĩ tại tuyến tỉnh.
Theo YHTH số 1 (903)
|