Đại dịch HIV/AIDS trên thế giới đã xuất hiện được hơn 30 năm và tác động nghiêm trọng đến kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình HIV/AIDS ngay từ khi mới ra đời đã phải sớm đương đầu với thách thức lớn cả về mặt y học lẫn các vấn đề về xã hội có liên quan.
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) báo cáo, năm 2010 thế giới đã chi khoảng 16 tỷ USD để ngăn ngừa đại dịch này. Chi phí cho căn bệnh thế kỷ dẫn đầu so với các loại bệnh khác. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay chỉ có những bệnh nhân có triệu chứng AIDS, suy giảm miễn dịch dưới một ngưỡng nhất định mới được cấp thuốc điều trị. Mặc dù, theo ước tính hiện có khoảng 9 triệu bệnh nhân cần điều trị nhưng không được nhận thuốc, chưa kể có khoảng 34 triệu người nhiễm HIV nhưng chưa có triệu chứng AIDS không được nhận thuốc điều trị. Trong bối cảnh đó, có một kết quả đáng mừng là Trung tâm điều hành và điều phối mạng lưới thử nghiệm dự phòng HIV đã tiến hành thành công nghiên cứu trên 1.763 cặp vợ chồng mà người chồng hoặc vợ đã nhiễm HIV, trong đó có cả người đồng tính tại các quốc gia ở châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Tất cả họ đều được tư vấn chăm sóc sức khỏe an toàn, miễn phí và được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Người nhiễm HIV được cung cấp thuốc kháng virút từ khi họ chưa có triệu chứng chuyển sang bệnh AIDS, quá trình nghiên cứu được thực hiện trong suốt 6 năm và đã phát hiện được 28 ca nhiễm chéo. Theo nghiên cứu từ trung tâm này, những người có hệ miễn dịch tương đối khỏe mạnh bị nhiễm HIV được điều trị ngay bằng biện pháp kháng retroviruts đường uống sẽ giảm 96,3% nguy cơ lây truyền HIV. Vì vậy, đây có thể là giải pháp chính để kiểm soát đại dịch HIV/AIDS.
Cuộc chiến chống AIDS đã và đang đạt được một số thành quả nhất định như: 6,6 triệu bệnh nhân tại các nước có thu nhập thấp được nhận thuốc đặc trị, tỷ lệ nhiễm HIV mới ở 33 nước nghèo đã giảm 2% so với thời điểm của đại dịch. Tuy vậy, vấn đề thách thức vẫn còn rất nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của UNAIDS tại Hội nghị tổng kết 30 năm về HIV/AIDS của thế giới mới đây cho biết, 1/5 bệnh nhân AIDS tự ý ngưng thuốc trong vòng 1 năm và để thuyết phục họ tiếp tục uống thuốc là rất khó. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 đã nâng ngưỡng suy giảm miễn dịch dưới 75% được cấp thuốc điều trị và đây được hiểu là bước ngoặt để hướng tới cấp phát đủ thuốc cho tất cả những người bị nhiễm HIV.
Ngoài việc nghiên cứu cung cấp thuốc đặc trị, cuộc chiến chống AIDS vẫn chủ yếu thông qua các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV, tuyên truyền thay đổi hành vi để có lối sống lành mạnh, tránh việc lây nhiễm.
Cách đây 10 năm, lần đầu tiên Liên Hợp quốc tổ chức Hội nghị về AIDS để xúc tiến hình thành quỹ toàn cầu chống AIDS, bệnh lao và sốt rét. Tổng thống Mỹ Geoge Bush đã công bố kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS - PEPFAR. Sau đó, các nguyên thủ quốc gia phát triển đã hưởng ứng và đóng góp cho quỹ này. Hiện nay, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và lạm phát lan tràn thì cuộc chiến chống AIDS cũng bị cạn kiệt nguồn ngân sách, vì vậy rất khó cho thu hút quỹ tài chính và từ thiện. Chỉ còn một số các quốc gia lớn tham gia tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS như: Mỹ, Anh, Ca-na-da, Pháp và vùng Scan-di-vi… cam kết đi cùng quỹ toàn cầu; Hà Lan, Tây Ban Nha đã tuyên bố cắt giảm chi phí chống AIDS; Đức đang trì hoãn các khoản thanh toán trong lúc xem xét bản kiểm toán hàng năm của quỹ; I-ta-li-a đã quyết định ngừng đóng góp tiền cho quỹ này mà không cần giải thích đã đặt ra yêu cầu về quản lý phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới có hiệu quả là rất khó khăn. Trong khi đó, theo báo cáo của UNAIDS công bố ngày 30/5/2010, đại dịch HIV/AIDS đã được phát hiện ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có khoảng 65 triệu người nhiễm HIV; trong đó, 40 triệu người nhiễm HIV còn sống và 25 triệu người đã chết vì AIDS mà phức tạp nhất là các quốc gia thuộc châu Phi.