Tỷ lệ hiện mắc bệnh lao (bao gồm cả lao/HIV) ở Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Y Tế Thế giới là 190.000 người trong năm 2013, chiếm tỷ lệ 209 BN/100000 dân.
Năm 2013, tổng số bệnh nhân lao thu nhận (kể cả lao mới, lao tái phát được thu nhận để điều trị trong là 102 196 người, trong số này có 18 136 bệnh nhân mắc lao ngoài phổi 1, chiếm tỷ lệ 17,74%. Mặc dù không phổ biến nhưng bệnh lao ở hệ niệu sinh dục được coi là một dạng nặng của bệnh lao ngoài phổi.
Lao sinh dục ở nam giới phổ biến nhất là lao mào tinh tiếp theo là lao tinh hoàn và lao tuyến tiền liệt. Viêm mào tinh do lao là kết quả của nhiễm trùng lao theo đường máu vì nó thường là một phát hiện riêng biệt mà không có sự tham gia của đường tiết niệu. Có khoảng 50-75% người đàn ông bị bệnh lao sinh dục có bất thường X quang ở đường tiết niệu. Đường tiết niệu của tất cả các bệnh nhân này có vị trí thuận lợi để mắc lao mào tinh hoàn nên được đánh giá và xem xét. Lao tinh hoàn thường có tỷ lệ ít hơn lao mào tinh hoàn và thường là kết quả từ sự xâm lấn trực tiếp bệnh lao từ mào tinh hoàn.
Lao tinh hoàn thường phát triển ở người nam trẻ quan hệ tình dục và 70% bệnh nhân có tiền sử trước đó đã mắc bệnh lao. Biểu hiện thông thường của bệnh là đau nhiều và viêm sưng bìu. Trong giai đoạn cấp tính, phản ứng viêm liên quan đến tinh hoàn, vì vậy rất khó để phân biệt các tổn thương cấp tính do viêm mào tinh hoàn-tinh hoàn không do lao. Nếu không có sự hiện diện trực khuẩn lao từ nước tiểu, điều trị bằng kháng sinh thích hợp có thể được bắt đầu. Nếu bệnh không có bất cứ cải thiện nào trong vòng 2-3 tuần, hóa trị liệu kháng lao nên được bắt đầu. Sau khi điều trị thêm 3 tuần nếu các tổn thương có nốt, cứng, và không đau, thăm dò của tinh hoàn là bắt buộc không được chậm trễ.
Việc chẩn đoán bệnh lao tinh hoàn rất khó khăn vì các triệu chứng của bệnh không rõ ràng. Các bước quan trọng nhất trong việc chẩn đoán bệnh lao tinh hoàn là tiền sử mắc lao phổi hoặc lao tại các cơ quan khác của bệnh nhân. Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biểu hiện lao phổi trong giai đoạn đầu hoặc các biểu hiện sớm của lao ngoài phổi để có hướng xác định chẩn đoán. Đã có trường hợp chẩn đoán bệnh lao tinh hoàn rất chậm trễ. Thậm chí một số trường hợp mất hơn 30 năm để chẩn đoán chính xác là lao tinh hoàn.
Năm 2014, Việt Nam vẫn được Tổ chức Y Tế thế giới xếp thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, ngoài ra Việt Nam còn là quốc gia có gánh nặng HIV cao và gánh nặng lao kháng đa thuốc cao. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức của chương trình chống lao quốc gia về tỷ lệ lao tinh hoàn và mào tinh hoàn cũng như so sánh tỷ lệ lao này với lao ngoài phổi và tổng số bệnh nhân lao chung của cả nước.
Tuy lao tinh hoàn và mào tinh hoàn là một thực thể bệnh lý nhưng thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu và thường gặp ở người trên dưới 40 tuổi và thường được chẩn đoán nhầm như một u tinh hoàn. Các triệu chứng đặc hiệu hơn như mào tinh hoàn và tinh hoàn sưng to và căng cứng và khu trú, đau vùng háng, tiểu khó, sốt và vùng tổn thương rất nhạy cảm giống như các tổn thương do viêm và các bệnh ác tính khác. Đặc biệt khi bị lao tinh hoàn và mào tinh hoàn, nuôi cấy trực khuẩn lao có thể cho kết quả âm tính đến hơn một nửa số trường hợp và không có các triệu chứng lâm sàng từ các cơ quan và hệ thống khác, do đó chẩn đoán càng khó khăn hơn. Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm 4D, chụp CT scan và chụp cộng hưởng từ (MRI) góp phần để chẩn đoán lao tinh hoàn và mào tinh hoàn. Tuy nhiên trong chẩn đoán hình ảnh chúng ta có thể gặp hình ảnh của lao tinh hoàn và mào tinh hoàn cũng giống với u tinh hoàn và mào tinh hoàn. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán lao tinh hoàn và mào tinh hoàn là nuôi cấy và làm xét nghiệm mô học-giải phẫu bệnh (histopathological test). Có thể dùng các tổ chức bị tổn thương được sinh thiết để nuôi cấy tìm trực khuẩn lao.
Lao tinh hoàn và mào tinh hoàn là một dạng của bệnh lao ngoài phổi thường gặp ở bệnh nhân nam ở vào tuổi trung niên, rất dễ nhầm với các trường hợp ung thư tinh hoàn và mào tinh hoàn. Chẩn đoán các trường hợp tinh hoàn và mào tinh hoàn sưng to, căng cứng nên xem xét hết sức thận trọng để tránh chẩn đoán nhầm lao với ung thư tinh hoàn và mào tinh hoàn đưa đến quyết định nhầm lẫn trong chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bộ phận bị tổn thương.
BBT.YHTH
|